Thành phố Hà Nội triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025
Ngày 14/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Dự hội nghị có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng; đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Các đại biểu dự hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, tăng 39 trường, với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Năm học 2023-2024, Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Năm học 2023-2024, thành phố tuyển dụng được 1.038 viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý với quy trình tổ chức công khai, minh bạch.
Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Ngành Giáo dục đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức an toàn, hiệu quả công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh của những năm trước như không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh, bốc thăm để vào các trường công lập... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tại hội nghị
Về giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đoạt nhiều giải cao tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia, Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm học 2023-2024. Đặc biệt, có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế và Olympic Hóa học quốc tế năm 2024.
Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học được quan tâm thực hiện hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được tăng cường, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trên địa bàn thành phố, năm học 2023-2024, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo không có vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận xã hội. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch, chủ động thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực phát triển về quy mô, chất lượng giáo dục để hoàn thành năm học mới với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học vừa qua. Thứ trưởng nhận định, những kết quả này cho thấy sự cố gắng rất cao, tinh thần nỗ lực, vượt khó, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và tinh thần hiếu học của các em học sinh. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm từ các cấp ủy, chính quyền các cấp từ cơ sở đến thành phố.
Để năm học 2024-2025 hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra, Thứ trưởng đề nghị ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục bám sát các hướng dẫn nhiệm vụ năm học, các văn bản chỉ đạo Bộ GDĐT đã ban hành với tinh thần chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của giáo dục Thủ đô. Những mô hình hay cần phải tổng kết và nhân rộng trên toàn quốc.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng trao cờ thi đua xuất sắc của UBND cho Sở GDĐT Hà Nội
Nhấn mạnh vai trò của quản lý nhà nước, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường công tác này bởi quy mô của giáo dục Thủ đô rất lớn, loại hình giáo dục đa dạng và tác động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trong đó, phải tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra trong giáo dục.
“Những kết quả thời gian vừa qua, đặc biệt là không có điểm nóng trong giáo dục Thủ đô là nhờ vào công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, công tác kiểm tra, thanh tra cần được duy trì, phát huy, cả về chuyên môn và quản lý. Giáo dục là lĩnh vực rất rộng, số lượng con người tham gia lớn nên đây là một trong những giải pháp căn cốt nhất đề thực hiện các nhiệm vụ trong năm học tới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý với ngành Giáo dục Hà Nội về công tác đội ngũ, nhân sự; trong đó cần quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ cả công lập và ngoài công lập. Tiếp tục tăng cường giáo dục lối sống cho học sinh, sinh viên, phát triển các phong trào thi đua, tiếp tục công cuộc nâng cao nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập, trở thành điểm sáng, mô hình học tập cho giáo dục trên toàn quốc.