(khoahocdoisong.vn) - Rác thải trong gia đình, từ rác sinh hoạt cho đến những chất thải nguy hại như chất tẩy rửa, nếu không được phân loại, xử lý đúng cách, để đúng chỗ… sẽ dẫn đến những nguy cơ lớn cho sức khỏe.
Hỏi: Gia đình tôi có thói quen để thùng rác ở cạnh bếp nấu ăn, ở trong các phòng ngủ, phòng khách, khi đầy thì đem đi đổ. Xin hỏi như vậy có đúng không?
Hoàng Hoài Linh (Hà Nội)
TS Lê Văn Khoa, Quỹ Tái chế chất thải TPHCM: Trong gia đình, từ rác sinh hoạt cho đến những chất thải nguy hại như chất tẩy rửa, nếu không được phân loại, xử lý đúng cách, để đúng chỗ… sẽ dẫn đến những nguy cơ lớn cho sức khỏe. Nặng nhất nó có thể tiềm ẩn nhiều khả năng gây bệnh ung thư, nhẹ thì bị kích ứng mắt, da và họng cũng như gây triệu chứng như cúm, nổi mề đay và các bệnh về thần kinh. Nhiều gia đình có thói quen tích tụ rác trong nhà để mỗi tuần đi đổ 1 lần cho tiện. Để các loại bình hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm… chung với rác sinh hoạt. Đây là những sai lầm tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe và môi trường.
Nên phân chất thải rắn thành 2 loại, gồm chất thải rắn thực phẩm và các chất thải rắn còn lại, đựng vào hai thùng rác khác nhau. Chất thải rắn thực phẩm gồm có rau củ, quả dư thừa hoặc hư hỏng; thức ăn dư thừa cần bỏ đi; xác và phân động vật, côn trùng. Tất cả rác thực phẩm kể trên nên được cho vào một túi hoặc thùng rác riêng.
Các chất thải rắn còn lại, bao gồm chai, lọ, ly, chén; vải vụn, giẻ lau, giầy dép, quần áo cũ; văn phòng phẩm các loại; đồ điện tử, điện gia dụng, ống nước hư hỏng, vỏ hộp đựng thức ăn các loại; sách báo, tập vở, vỏ hộp sữa, túi ni-lông, bao bì giấy nhựa các loại; pin, ắc quy, dầu mỡ bôi trơn... cho vào túi riêng.
Rác sinh hoạt hằng ngày, nếu để lâu sẽ phát sinh vi khuẩn gây hại tạo ra các triệu chứng như kích ứng mắt, da và họng cũng như gây triệu chứng như cúm, nổi mề đay và các bệnh về thần kinh. Giải pháp đơn giản nhất là hạn chế sử dụng đồ có nhiều hóa chất, không để rác thải quá 24h trong ngày và thùng rác phải được đặt ở nơi thông thoáng.