TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH
THÁNG 01/2023
Tên sách: Những Trạng Nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam
Tác giả: nhóm Tri thức Việt
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Thời đại
Kính thưa các thầy cô giáo! Các bạn học sinh thân mến!
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, những chữ Thân Nhân Trung thay mặt vị vua anh minh Lê Thánh Tông soạn để khắc vào bia đá Tiến sĩ như một nhận đinh bất biến.Thời nào cũng vậy, sức mạnh toàn dân tộc là sức mạnh của toàn dân mới làm nên lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà muôn đời nay, những bậc hiền tài được nhân dân ngưỡng vọng và xem như thánh thần. Nhiều vị còn được phong là Phúc thần, Thành hoàng - trở nên bất tử trong tâm linh mọi người.
Đại diện xuất chúng cho những người con tài giỏi của đất nước là các vị Trạng nguyên – là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của những người đỗ cao nhất trong các cuộc thi Đình của các nhà Lý Trần, Lê, Mạc… kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam gần nghìn năm, số Trạng Nguyên có không nhiều. Những tấm gương về sự uyên bác, đức độ của những trạng nguyên, dù ở hoàn cảnh nào của xã hội cũng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ.
Hôm nay thư viện trường THCS Phú Thị xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách: “Những Trạng Nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam”. Cuốn sách gồm 223 trang, khổ 13x20,5 cm do nhà xuất bản Thời đại phát hành năm 2014. Do khuôn khổ có hạn, Nhà xuất bản Thời đại đã tinh chọn ra những Trạng Nguyên ưu tú, đại diện cho tài năng và đạo đức dân tộc ta. Cuốn sách giới thiệu một số vị Trạng Nguyên đặc biệt như Lê Văn Thịnh- Trạng nguyên Khai khoa Đại Việt, Nguyễn Hiền – Trạng nguyên trẻ nhất, Mạc Đĩnh Chi -Lưỡng quốc Trạng Nguyên...
Cuốn sách kể về 14 Trạng Nguyên tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau mở trang 7 để đọc về trạng nguyên Lê Văn Thịnh- Người khai khoa Đại Việt. Theo thần phả ở đền Thượng, bảo tháp xã Đông Cứu do đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính Phụng soạn: Ông sinh ngày 11 tháng 2 năm Canh Dần ( 1050)ở trang Đống Cứu, huyện Gia Lương ( nay là làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). “Lên 7 tuổi Văn Thịnh đi học, 13 tuổi kinh, sử, thi thư ông đều biết hết, thiên văn địa lý tỏ tường, học trò thời ấy thán phục, gọi Văn Thịnh là thần đồng”. Sau khi định đô ở Thăng Long, yên bề xã tắc, nhà Lý chú trọng đến việc giáo dưỡng dân chúng, đào tạo người hiền tài cho đất nước. Năm 1075 Nhà Lý mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử nền học vấn Đại Việt, Lê Văn Thịnh đỗ thủ khoa và ông được coi như là Trạng Nguyên đầu tiên của Đại Việt.
Tiếp đến chúng ta cùng các em mở trang 29 của cuốn sách để đọc Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam đó chính là Nguyễn Hiền. “Ông sinh ra từ làng quê nghèo tại làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền phủ Thiên trường lộ Sơn Nam (nay thuộc thôn Dương A, xã Nam Thắng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông sinh năm Ất Mùi (1235)”.Từ thủa nhỏ đã sớm tiếp xúc với chữ nghĩa và sách vở. Khi mới lên 4 tuổi đã là người có học thức xuất sắc, năng khiếu kì lạ. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi rằng: Năm 1247 đời Trần Thái Tông mở khoa thi chọn học trò, Nguyễn Hiền đã đỗ thủ khoa khi đó ông mới 12 tuổi.Nguyễn Hiền quả thật là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực học tập để tuổi trẻ chúng ta noi theo.
Kính thưa các thầy cô giáo! Các bạn HS thân mến!
Cuộc đời và sự nghiệp của những danh nhân sẽ mãi là những chấm son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau đến Thư viện tìm đọc cuốn sách này và một số cuốn sách khác như: “Danh nhân đất Việt”, “Những tấm gương hiếu học” hay “Những vị vua hay chữ”… để thêm hiểu biết về những trang lịch sử hào hùng và vĩ đại của dân tộc ta nhé.
Buổi giới thiệu sách của chúng em đến đây là kết thúc. Em xin trân trọng cảm ơn các thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại tại thư viện trường THCS Phú Thị!