Thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh yêu quý!
Chiến tranh đã qua, những đau thương, mất mát mà nó để lại cho mỗi người dân và dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta cũng đã lùi dần vào dĩ vãng nhưng những chiến công chói lọi và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ cách mạng, những trận thắng oanh liệt thì vẫn còn sống mãi với thời gian.
Đằng sau những chiến công chói lọi ấy, những gian khổ hào hùng ấy là góc khuất trong tâm hồn của những người lính kiên trung, dũng cảm.
Và hôm nay, tôi muốn giới thiệu cùng các thầy giáo, cô giáo và các em góc khuất trong tâm hồn những người con anh hùng ấy qua cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc.
Vâng, thưa các bạn, Mãi mãi tuổi hai mươi – Nhật ký thời chiến Việt Nam của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc do Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu, được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2005, in trên khổ 13x19cm, với 295 trang viết đầy xúc động và chân thật của người lính trong chiến tranh Việt Nam.
Đây là cuốn nhật ký thời chiến của một người lính, với hơn 200 trang sách người lính ấy đã ghi lại chân thực và sinh động những ngày tháng trong quân ngũ của mình. Với thời gian chỉ có 10 tháng nhưng đã đủ sức tái hiện lên chân dung một thế hệ thanh niên Hà Nội – xếp bút nghiên lên đường chiến đấu – theo lời kêu gọi của non sông, đất nước. Đó là một người đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970, nguyên là sinh viên xuất sắc khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Người thanh niên ấy nhập ngũ cuối năm 1971, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời – Người lính ấy là Nguyễn Văn Thạc.
Để biết được hành trình của chàng trai giỏi Văn nhất miền Bắc một thời đã bước vào cuộc chiến như thế nào, từng ngày tháng anh chiến đấu ra sao và niềm mong ước của anh cuối những trang nhật ký, trước khi đi chiến trường như thế nào? Xin mời các đồng chí và các em tìm đọc những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc được viết từ trang 31 đến trang 273 cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” để được hiểu rõ.
Thưa các bạn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Rất mong các bạn trẻ bây giờ đọc và nhớ đến Anh, muốn các cây bút trẻ bây giờ đọc và nhớ đến Anh. Có được điều đó, trái tim và ngòi bút của tuổi trẻ bây giờ sẽ đằm thắm hơn, tha thiết hơn và cương nghị hơn trước cuộc sống mà Nguyễn Văn Thạc và đồng đội Anh đã đánh đổi xương máu và tính mạng của mình để giành lấy cho đời nay và mai sau”.