Xã Phú Thị nằm ở bờ Nam sông Đuống. Phía Đông tiếp giáp với xã Kim Sơn;
phía Tây là Quốc lộ 5; phía Bắc tiếp giáp với sông Đuống; phía Nam là xã
Dương Xá. Xã Phú Thị có 5 thôn đó là Tô Khê, Hàn Lạc, Đại Bản, Trân Tảo
và Phú Thụy.
Trước năm 1967, Phú Thị xưa chưa có trường cấp II, con em Phú Thị sau
khi học xong cấp I phải sang các xã Dương Xá, Kim Sơn bên cạnh để học
cấp 2. Năm học 1966-1967, có 2 lớp 5 học nhờ ở trường Cấp I Phú Thị.
Năm 1967, Uỷ ban hành chính huyện Gia Lâm ra quyết định thành lập và
trường cấp II Phú Thị được thành lập chính thức từ đó. Năm học đầu tiên
trường có 2 lớp 5, 2 lớp 6, 2 lớp 7. Trường được thành lập đúng lúc cuộc
chiến tranh leo thang của Mỹ diễn ra ác liệt trên Miền Bắc nước ta, cơ sở
vật chất của nhà trường còn nghèo nàn, trường lớp chưa hoàn chỉnh.
Song được Đảng và Chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo; được nhân dân
và phụ huynh học sinh ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt là sự vượt lên những
khó khăn gian khổ của đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên với
tinh thần tất cả vì nhà trường, vì học sinh thân yêu. Trường đã xây dựng
được 6 phòng học ở hai thôn Phú Thị và Hàn Lạc. Trong thời gian này,
đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền bắc, để đảm bảo an toàn cho thầy
và trò, phải đào hầm chữ A xuống đất nửa nổi, nửa chìm nhằm tránh bom
đạn của kẻ thù. Nhưng bom đạn Mỹ không thể lay chuyển được ý chí
quyết tâm học tập của trò, tinh thần gan dạ bám lớp, bám trường của
các thầy cô giáo, hàng ngày học sinh phải đội mũ rơm cắp sách đến trường,
các thầy cô giáo vẫn say xưa giảng bài. Được sự giúp đỡ, đùm bọc của
bà con làng xóm và nhân dân, Nhà trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn
chồng chất về điều kiện ăn ở, phương tiện giảng dạy để đảm bảo chương
trình và nội dung giáo dục. Cũng trong thời gian này nhiều học sinh đang
học và đã học xong cấp 2 hăng hái lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ
quốc, nhiều người đã lập công xuất sắc, số học sinh còn lại bám lớp, bám
trường thi đua với người cầm súng trên mặt trận, học tập đạt kết quả cao.
Trong số những học sinh của nhà trường chiến đấu trên khắp chiến trường
của cả nước, đã có nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xưa,
góp trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Năm 1975, đất nước thống nhất Nam Bắc một nhà, cũng trong giai đoạn
lịch sử này Đảng ủy, UBND xã có nghị quyết về việc xây dựng trường cấp II
tại trung tâm xã, trên khu vườn ươm của các cụ. Mặc dù gặp muôn vàn
khó khăn về cơ sở vật chất thời ấy, nhưng với quyết tâm vì tương lai
con em trong xã hai dãy nhà 6 phòng học mái ngói theo đúng tiêu chuẩn
của Bộ đã được hoàn thành, kịp cho gần 400 học sinh khai giảng năm học mới.
Giai đoạn này mặc dù mới thành lập nhưng nhà trường đã có nhiều thành
tích trong giảng dạy học sinh tốt nghiệp đạt 90%, trường đạt trường tiên tiến.
Năm học 1974-1975 trường cấp II Phú thị là đơn vị điển hình toàn Miền Bắc.
Năm 1979, trường cấp II Phú Thị sát nhập với cấp I Phú Thị lấy tên là
trường phổ thông cấp I, II Phú Thị trong giai đoạn này ngoài việc giảng dạy cho
con em trong xã, nhà trường còn có một số lớp chuyên toán dạy cho con em các
xã trong khu vực về học. Thời gian này đời sống của giáo viên rất khó khăn,
thiếu thốn. nhưng các thầy cô không ngại khó khăn gian khổ tất cả vì học sinh thân
yêu, trường cấp I,II Phú Thị đã có nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập.
Nhà trường nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc và là lá cờ đầu của
ngành giáo dục thủ đô.
Năm 1996, trường PTCS cấp II Phú Thị được đổi tên thành trường THCS
Phú Thị như ngày nay. Năm 1999, trường được UBND huyện xây dựng 1 dãy 6
phòng học (Hiện nay là dãy 6 phòng học A3) giúp cho thầy trò nhà trường từ học 2
ca thành 1 ca.
Năm 2009, nhà trường được tiếp quản CSVC của trường tiểu học cũ nâng
diện tích của nhà trường lên gần 9000 m2. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Thị và
nhà trường đã có kế hoạch xây dựng nhà trường trở thành trường đạt chuẩn
Quốc gia. Trong giai đoạn này, nhà trường có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất
khi tiếp quản cơ sở vật chất của trường tiểu học: các phòng học không đồng bộ,
xuống cấp, chưa có các phòng chức năng,.... Tuy vậy nhà trường cũng có nhiều
thành tích trong giảng dạy và học tập. Trường luôn đạt trường tiên tiến cấp huyện.
Tháng 3/2012 trường được UBND huyện Gia Lâm đầu tư xây dựng một dãy
hiệu bộ. Một nhà giáo dục thể chất cùng các công trình phụ trợ đáp ứng yêu về
cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia. Cùng với sự cố gắng không mệt mỏi
của tập thể cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường tháng
12/2012, nhà trường đã được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định công nhận
trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.
50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã lớn mạnh lên về nhiều mặt. Truyền
thống của trường luôn gắn liền với tập thể giáo viên, nhân viên qua các thời kỳ và tên
tuổi của các đồng chí Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn trong suốt chặng
đường phát triển. Từ thuở ban đầu vẻn vẹn chỉ có vài giáo viên, trình độ cao đẳng, trung
cấp sư phạm hệ 7+3. Đến tháng 9 năm 2017 toàn trường có 42 CBGV, CNV trong đó
100% được đào tạo đạt trình độ chuẩn và 80% trên chuẩn, trong đó có 3 thạc sĩ.
50 năm xây dựng và phát triển, có lúc thăng trầm, song thành tựu mà nhà trường đạt
được là rất lớn đó là: Các thế hệ học sinh được giáo dục ở một nhà trường mà các
thầy giáo, cô giáo có trình độ vững chắc về chuyên môn nghiệp vụ, hết lòng, hết sức
tận tụy yêu thương học sinh. Ảnh hưởng to lớn từ tấm gương mẫu mực của người
thầy, đã tạo nên nhân cách và bản lĩnh của học sinh Phú Thị khi bước vào các lĩnh
vực của xã hội, đều có ý chí vượt khó vươn lên để nhanh chóng trưởng thành.
Các thế hệ học sinh của nhà trường công tác, làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền
của Tổ quốc, có người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan
Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2017,
Phú Thị có hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, hàng nghìn người có
trình độ Đại học,... Ngoài ra còn có nhiều học sinh thành đạt trên lĩnh vực phát
triển kinh tế tại địa phương, trên mọi miền Tổ quốc. Trong 5 năm gần đây, trường
luôn đạt Trường Tiên tiến cấp Huyện. Năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt HS
giỏi cấp huyện và cấp thành phố, số học sinh giỏi mỗi năm đều được tăng thêm.
Cụ thể nhà trường đã có 33 HSG cấp TP, 13 em đạt huy chương cấp thành phố về
TDTT, tỉ lệ học sinh đạt khá giỏi đạt trên 75%; tỉ lệ học sinh thi đỗ vào THPT công lập
luôn trong tốp đầu của huyện và cao nhất cụm Nam Đuống; 51 lượt CB, GV, NV đạt
danh hiệu chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏỉ các
cấp trong đó có nhiều thầy cô đạt giải cao trong các kì thi GVG cấp huyện, cấp TP.
Năm học 2015-2016 trường được Sở GD&ĐT về KĐCL và đánh giá trường đạt
chất lượng cấp độ 3 (cấp độ cao nhất theo khung bậc của Bộ GD&ĐT). Đặc biệt
năm học 2016 – 2017: Trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố;
Công đoàn vững mạnh xuất sắc; Chi bộ trong sạch vững mạnh; Liên đội mạnh cấp
Huyện; Thư viện đạt thư viện tiên tiến cấp TP,... Nhà trường đã giành trọn niềm tin
của học sinh, PHHS trong xã và một số xã lân cận. Số lượng học sinh nhà trường
phát triển không ngừng. Năm học 2011 – 2012 nhà trường có 347 học sinh biên
chế ở 10 lớp. Đến năm học 2017 – 2018 nhà trường đã có 16 lớp vói 600 học sinh.
Các thế hệ học sinh Phú Thị đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam nói chung, xã Phú Thị nói riêng, đó là kết quả quý giá của nhà
trường trong nửa Thế kỷ đã qua. 50 năm xây dựng và trưởng thành là một bề dày
truyền thống, bề dày lịch sử mà không phải ngôi trường nào cũng có được.
Niềm tự hào ấy lại được các thế hệ Nhà giáo - Học sinh Phú Thị luôn có ý thức
gây dựng, bồi đắp, giữ gìn, ngày càng tô đậm thêm trang sử truyền thống của nhà
trường và chính họ đã góp phần to lớn cùng với nhân dân quê hương để tạo nên
một xã anh hùng.
Kế tục truyền thống nhà trường và những cống hiến to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo,
các thế hệ học sinh qua các thời kỳ. Cán bộ, giáo viên và học sinh hiện nay đang công
tác học tập tại nhà trường, đã và sẽ tích cực thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo,
cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “ Xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 29 của hội
nghị trung ương 8 khóa 11 vềđổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từng bước thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch chiến lược 2015-2020. Tầm nhìn
đến 2030, phấu đấu là một trường có chất lượng giáo dục bền vững, học sinh có tri thức và
năng lực thực hành thích ứng với tình hình phát triển của đất nước.