Bài tập về bộc lộ cảm thụ văn học qua một đoạn viết ngắn – NV6
Bài 1: “…Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
( Mẹ - Trần Quốc Minh )
a, Đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Chỉ ra tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.
b,Theo em, hình ảnh nào góp phần làm nên cái hay của đoạn thơ trên? Vì sao?
Bài 2: Đọc đoạn văn dưới đây, những hình ảnh nào cho em biết được sự to lớn của cây đa quê hương? Qua đó, em hiểu rõ thêm điều gì về cây đa?
Cây đa nghìn năm đã gắn liền với thời thơ ấu cảu chúng tôi. Nói đúng hơn, đó là cả một toà cổ kính hơn là cả một than cây. Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Đỉnh chót vót giữa trời xanh, đến những con quạ đậu trên cao nhìn xuống cũng chẳng rõ . Rễ cây nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ, như những con rắn hổ mang giận dữ.
(Nguyễn Khắc Viện)
Bài 3: Đọc đoạn văn sau trong bài “Rừng miền đông” (Chu Lai):
Đang vào mùa rừng dầu trút lá. Tàu lá dầu liệng xuống như cánh diều, phủ vàng mặt đất. Mỗi khi có con hoẵng chạy qua, thảm lá khô vang động như có ai đang bẻ chiếc bánh đa. Những cây dầu con mới lớn, phiến lá đã to gần bằng lá già rụng xuống. Lá như cái quạt nan che lấp cả than cây…
Chi tiết nào giúp em cảm nhận được không gian yên tĩnh của rừng dầu đầy lá rụng? Nêu cảm nhận của em về chi tiết đó?
Bài 4: Trong bài “Về thăm bà”, nhà văn Thạch Lam có viết:
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng đã còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình cũng như những ngày còn nhỏ.
Em cảm nhận được ý nghĩa gì đẹp đẽ qua đoạn văn trên?
Bài 5:
Bóng mây
Hôm nay trời nắng như nung,
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày,
Ước gì em hóa đám mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm.
Thanh Hào
Đọc bài thơ trên, em thấy được những nét gì đẹp về tình cảm của người con đối với mẹ?
Bài 6: Trong bài thơ “Con cò”, nhà thơ Chế Lan Viên có viết:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
Hai dòng thơ trên đã giúp em cảm nhận được điều gì đẹp đẽ và sâu sắc?
Bài 7: Trong bài “Mùa thảo quả”, nhà văn Ma Văn Kháng viết:
Thảo quả chín dần. Dưới tầng đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
Em có nhận xét gì về cảnh rừng thảo quả chín qua cách miêu tả sinh động trên của nhà văn?
Bài 8: Trong bài “Bè xuôi sông La”, nhà văn Vũ Duy Thông có viết:
Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi.
Đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông La như thế nào?
Bài 9: Kết thúc bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão”, nhà thơ Đặng Hiển viết:
Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà
Theo em, hình ảnh nào đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ trên? Vì sao?
Bài 10: Đọc bài ca dao dưới đây, em hiểu người nông dân muốn nói với ta điều gì? Em cảm nhận được điều đó qua cách diễn đạt sinh động ra sao?
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!